Trong cuộc đời, không nhiều thì ít, ai ai cũng đều có những kỷ niệm, hoặc buồn, hoặc vui, tùy theo trường hợp và hoàn cảnh của mỗi người.
Tôi có một kỷ niệm vui khi còn là nhạc sĩ trong ban đàn giây Hoàng Lang của Đài Phát thanh Quốc gia Saigon. Chuyện vui này không riêng một mình tôi mà cũng có liên quan đến vài bạn khác trong ban nhạc.
Khoảng thập niên 60, không hiểu nhờ quen biết hay khéo vận động thế nào mà anh Phạm Phúc Hiển (tức nhạc sĩ Hoàng Lang), nhạc trường, ký được giao kèo dài hạn, chơi nhạc thính phòng cho một câu lạc bộ của người Mỹ trên đường Nguyễn Huệ, có tên là “International House”. Khách của câu lạc bộ này gồm quân nhân cao cấp Mỹ, nhân viên các phái đòan ngọai giao quốc tế, thương gia, kỹ nghệ gia ngọai quốc v.v…
Ban nhạc chúng tôi, cộng thêm sự hợp tác của nhạc sư Nghiêm Phú Phi chơi dương cầm và nhạc sĩ Pierre Trần Anh Tuấn độc tấu “banjo”, trình diễn hằng đêm từ 06:30 chiều đến 09:30 tối, nghỉ giải lao nửa tiếng, rồi sau đó tiếp tục từ 10:00 đêm đến 01:00 khuya, kế nhường chỗ cho ban nhạc khiêu vũ với giàn kèn, trống, guitare điện và piano.
Chúng tôi chuyên trình tấu những nhạc khúc ngọai quốc, hòa âm viết riêng biệt cho đàn giây gồm mandoline, phần 1, mandoline phần 2, mandole, guitare, contrebasse và phần đệm của dương cầm. Những bản nhạc này được đặt mua từ bên Pháp, gồm các nhạc khúc nổi tiếng của Âu châu, Đông âu và Nam Mỹ như: Charme d’ Espagne, Soleil d’Espagne, Granada, Espana Cani, La Belle Castillane, Nuits Florentines, Sur Les Rives Du Tage, Le Beau Danube Bleu, Les Flots Du Danube, Les Yeux Noirs, Chanson Bohême, Rapsody Tzigane v.v… Mục lục nhạc của chúng tôi gồm có ít nhật 200 nhạc bản đủ các loại kể trên.
Và tiếp theo sau đây là bắt đầu chuyện kỷ niệm của chúng tôi:
Ở Saigon, vào thời điểm tháng 9, tháng 10 là mùa mưa. Thuờng xuyên có những cơn mưa dầm dề, dai dẳng cả ngày lẫn đêm, nhiều khi kéo dài đôi ba ngày mới dứt. Những lúc đó, chúng tôi hay bị cảm lạnh, mỗi đêm đến câu lạc bộ hành nghề rất là cực khổ, nhưng vẫn phải đều đặn đi làm vì ban nhạc mà thiếu một người thì nghe không hay…
Một đêm nọ, trời mưa như cầm tỉnh mà đổ, lại có thêm gió lớn. Các nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi, Trần Anh Tuấn, Hoàng Lang Phạm Phúc Hiển, dùng phương tiện xe hơi nhà hay taxi để đến nơi, không bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết. Còn bọn chúng tôi: Ngọc Huyền, Ngọc Tường, Xuân Lang, Văn Thập và tôi đi xe gắn máy hay vespa, ướt át áo quần, nước mũi, nước mắt chảy đầm đìa… Vì thế, khi trình diễn, tay thì đàn mà nước mũi tự do nhỏ xuống miệng mồm, quần áo. Lợi dụng lúc nốt nhạc cuối câu kéo dài, họăc phần hòa âm của mình được nghỉ nhiều nhịp, rảnh tay chúng tôi thi nhau đưa vạt tay áo lên quẹt lia lịa nước mũi đang chảy ràn rụa, cho đỡ ướt át, ngứa ngáy, khó chịu. Thỉnh thoảng tôi liếc nhìn thấy xếp Hoàng Lang Phạm Phúc Hiển của tôi đang đứng đối diện, tay thì đánh contrebasse mà môi thì mím chặt lại, có vẻ như không vừa ý với hành động của chúng tôi. Thôi thì mặc kệ, cứ lờ đi, coi như không thấy, không có ông trưởng ban đứng đó vậy.
Đến mãn giờ ra về, đứng trước cửa câu lạc bộ, nhìn ra đường vẫn còn mưa tầm tã. Hai anh Nghiêm Phú Phi và Trần Anh Tuấn thì đã lên xe hơi nhà đi rồi. Anh Hoàng Lang Phạm Phúc Hiển còn đứng chờ đón taxi, riêng chúng tôi, mặc dù đã mặc xong áo mưa, vẫn còn nấn ná đợi mưa bớt nặng hột mới đi về. Lúc đó, bất chợt, tôi nghe anh Hoàng Lang nói: “Khi nãy, đang đàn mà thấy mấy anh em làm chuyện kỳ cục, tôi cắn môi nhịn cười, sợ bật cười thành tiếng vào micro, vang dội thính phòng thì sẽ có chuyện lớn chứ chẳng chơi, có thể giao kèo bị hủy cũng không chừng”.Thật hú hồn! Và cũng may mắn, nhờ phòng ốc câu lạc bộ quá rộng rãi, đèn đuốc lờ mờ vừa đủ ánh sáng và các thực khách mải mê ăn uống, thì thầm trò chuyện, cho nên không ai chú ý đến ban nhạc và cũng chẳng bao giờ họ nhìn lên bục nhạc phía trên cao, gần sát trần nhàø, cho nên họ không nhìn thấy cử chỉ hơi… thiếu thẩm mỹ của chúng tôi.. Bằng không, có thể họ sẽ nghiêm khắc phê bình: “Ồ, cái đám nhạc sĩ này sao mà ăn ở thiếu vệ sinh như vậy”.
Để kết luận, tôi tự hỏi không biết câu chuyện trên đây là một kỷ niệm vui hay buồn, nhưng dù buồn dù vui, nói chung, đó là một thực tế của khía cạnh cơ cực, bi ai của cuộc đời, đời của người nghệ sĩ.
Nhạc sĩ Huỳnh Tấn Phước
Ban nhạc đàn giây HOÀNG LANG
(Nhạc sĩ Hùynh Tấn Phước, người thứ nhất hàng đứng, từ bên trái)
Mời quý vị nghe ca khúc
ANH XIN TRẢ LẠI EM
Thơ Nhất Tuấn.
Nhạc: Hoàng Lang.
Qua tiếng hát Hoàng Oanh do ban đàn giây Hoàng Lang phụ họa.